“Với cam kết của Thủ tướng, doanh nghiệp hãy đòi hỏi cơ quan Nhà nước”

“Với cam kết của Thủ tướng, doanh nghiệp hãy đòi hỏi cơ quan Nhà nước”

“Với cam kết của Thủ tướng, doanh nghiệp hãy đòi hỏi cơ quan Nhà nước”

Ý kiến tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 cho rằng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những cam kết cực kỳ mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh, vì doanh nghiệp, vì người dân phục vụ với tinh thần đổi mới. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp không nên thụ động mà hãy chủ động đòi hỏi sự thay đổi từ các cơ quan Nhà nước.
TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam


Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2016 tổ chức sáng 18/5, TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) thẳng thắn cho biết, nhìn chung cho đến thời điểm này, nhiều cơ quan chưa tích cực triển khai các Nghị quyết 19 (trừ một số nơi mà điển hình là Bộ Tài chính, trong đó đi đầu là Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế).

“Cần phải đi đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm, đó là điều tôi hy vọng ở Chính phủ vừa được kiện toàn với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những cam kết cực kỳ mạnh về cải thiện môi trường kinh doanh vì doanh nghiệp, vì người dân phục vụ với tinh thần đổi mới hết sức rõ nét. Chúng ta cũng có nhiều Bộ trưởng mới, hy vọng tinh thần và cam kết của Thủ tướng sẽ được truyền xuống tới các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Có được điều đó thì chắc chắn Nghị quyết 19 và các Nghị quyết khác của Chính phủ sẽ được thực hiện hiệu quả”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2016 có nhiều khác biệt so với các Nghị quyết trước, không chỉ ở nội dung mà còn ở cách thức tổ chức thực hiện. Theo ông Nguyễn Đình Cung, việc Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 lần này đã thể hiện cam kết của VPCP trong việc tham gia theo dõi, đánh giá và thúc đẩy thực hiện Nghị quyết.

Sự khác biệt nữa là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát và thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 19. Như vậy, việc theo dõi giám sát và báo cáo Thủ tướng sẽ được thực hiện thường xuyên, theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm, chứ không chỉ báo cáo Chính phủ tại các cuộc họp cuối quý như trước đây.

 

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà (người ngồi giữa) chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 19. Ảnh: VGP/Đình Nam


TS. Nguyễn Đình Cung cũng hy vọng giới truyền thông, báo chí và cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào việc triển khai Nghị quyết 19.

“Có những điều tuy “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn phải nói với tinh thần theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm. Tinh thần của Thủ tướng là lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, coi người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải đối tượng kiểm tra, kiểm soát thì thái độ của chúng ta là không thụ động chờ cơ quan Nhà nước đổi mới mà phải đòi hỏi cơ quan Nhà nước đổi mới để phục vụ chúng ta tốt hơn”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Được tạo đà từ hai Nghị quyết 19 (năm 2014 và 2015), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19 lần thứ ba vào ngày 28/4/2016, với mục tiêu thứ hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ đạt mức trung bình của ASEAN-4 vào năm 2017 và ASEAN-3 vào năm 2020. Nghị quyết 19 này, ngoài tham chiếu vào các chỉ số “Doing Business” về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, còn đề cập tới chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số đánh giá toàn diện về năng lực cạnh tranh của hơn 140 nền kinh tế.

Nghị quyết 19 tiếp tục chủ động kết nối Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và thiết lập trách nhiệm, nhiệm vụ chi tiết cho 17 bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp để thúc đẩy tính hiệu quả và sự phối hợp giữa các bộ, ngành.

Nhờ quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự tham gia của khối tư nhân cùng các cơ quan Nhà nước, việc triển khai Nghị quyết 19 trong 2 năm qua đã giúp đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu để giảm thời gian thông quan cho các doanh nghiệp, giảm thời gian nộp thuế và hợp lý hóa nhiều thủ tục hành chính khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất nhập khẩu, đòi hỏi sự nỗ lực và chung tay của nhiều cơ quan Nhà nước và cả khu vực tư nhân. Một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 đã tăng 12 bậc (từ 68 lên 56), mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Môi trường kinh doanh tăng 3 bậc, cải thiện 5/10 chỉ số. Tuy vậy, môi trường kinh doanh của nước ta còn khoảng cách xa so với Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Hà Chính

Nguồn baochinhphu

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus ( )
viVietnamese