Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chủ lực của Thành phố Buôn Ma Thuột
Xác định để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Buôn Ma Thuột nguyễn Thị Tường Loan (bìa phải) thăm vườn cà chua Nova của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm
Để triển khai hiệu quả, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 6a-CTr/TU, ngày 01/6/2016 về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, giai đoạn 2016 – 2020, UBND Thành phố đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch 135, xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ của Chương trình là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, trong đó tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố là cà phê, rau, heo, gà…Tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp 4.0 như ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố: như nước, phân, thuốc, nhiệt độ; các mô hình trong nhà kính, nhà màng, các mô hình chăn nuôi khép kín…, Đồng thời triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.
Hiện nay, Thành phố đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái, chất lượng cao, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao của nông sản hàng hóa. Mặt khác Thành phố cũng đã đề ra những giải pháp tích cực để đẩy mạnh việc ứng dụng thành quả các đề tài đã được nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học; khuyến khích chuyển giao, tiếp nhận và nhập khẩu các công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế và an toàn với môi trường.
Song song với đó, Thành phố Buôn Ma Thuột đã tập trung đầu tư, nghiên cứu, thí điểm một số mô hình công nghệ cao, mô hình được chứng nhận…; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà kính, ứng dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm, tưới tiên tiến. Chăn nuôi công nghệ khép kín trong nhà máy lạnh; ứng dụng rộng rãi các giống mới vào sản xuất; ứng dụng các giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; thụ tinh nhân tạo cải tiến công nghệ sinh sản, thụ tinh nhân tạo cho bò kết hợp với công nghệ gen trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao….
Trên cây cà phê: Đã có 9.966,9 ha/11.308,7 ha được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với sản lượng 25.328,9 tấn, trong đó diện tích cà phê được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, UTZ là 3.325,5 ha, sản lượng 9.931,52 tấn, tăng 05% so với chỉ tiêu đề ra; 88,14% hộ nông dân sản xuất cà phê tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất; thực hiện tái canh, cải tạo cà phê được 3.024,6 ha, nhờ việc áp dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê nên đã tăng năng suất bình quân từ 2,4 tấn/ha năm 2015 lên 2,65 tấn/ha (diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ tăng lên 3,08 tấn/ha); nhiều diện tích cà phê trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bơ đã cho thu nhập gấp nhiều lần so với cây trồng chính.
Đoàn công tác số 2 của Thành ủy do đồng Chí Nguyễn Thị Tường Loan – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thăm vườn rau hữu cơ tại xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột
Trên cây rau: Đã có 1.791,21 ha/1.831,99 ha được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với sản lương 40.666,83 tấn; diện tích rau sản xuất theo hướng an toàn 199,82 ha, sản lượng 5.310,7 tấn, trong đó diện tích rau thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn và được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 1.533,242 ha, sản lượng 34.991,49 tấn, chiếm 84,89% so với tổng sản lượng rau của Thành phố, trong đó: Diện tích rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 30,347 ha, sản lượng 1.927,8 tấn, hiện đã có 16 đơn vị được cấp giấy chứng nhận ViệtGap.
Đối với chăn nuôi heo, gà: Đã có 147.894 con/149.509 con heo thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn, đạt 98,92%, trong đó chăn nuôi an toàn sinh học chiếm 69,81% với 103.248 con; trên địa bàn hiện có 166 trang trại, gia trại, với 121.535 con, trong đó có 81 trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, với 75.540 con; Tổng đàn gà trên địa bàn Thành phố 2.075.333 con; 99% đàn gà thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn với 2.057.510 con, trong đó: chăn nuôi an toàn sinh học chiếm 57,16% với 1.176.000 con; số trang trại, gia trại chăn nuôi 184 trang trại, gia trại, với 1.757.880 con, trong đó: 65 trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. 97,76% hộ gia đình, trang trại, gia trại, doanh nghiệp được tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.
Lãnh đạo thành phố thăm vườn dưa lưới của Tinh Hoa Farm Buôn Ma Thuột
Việp ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp trên các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Thành phố đã được người nông dân quan tâm đầu tư kinh phí để triển khai, tính đến nay đã có 23 cơ sở được cấp giấy chứng nhận Viet GAP, trong đó: Rau, nấm 16 cơ sở, với diện tích 30,347 ha; Bơ Viet GAP 03 cơ sở, với diện tích 75,5 ha; Thanh long VietGAP 01 cơ sở, với diện tích 13 ha; sầu riêng VietGAP 01 cơ sở, với diện tích 150 ha và cây ăn trái khác 02 cơ sở, với diện tích 67,4 ha. Ngoài ra trên địa bàn Thành phố đã có 130 ha sầu riêng của Hợp tác xã Ko Sia, HTX Păm Lăm, phường Tân Lập đã được cấp mã số vùng trồng. Trong trồng trọt, chăn nuôi người nông dân đã từng bước sử dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất như: Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ gieo ươm cây con giống để nhân nhanh các giống rau, hoa chất lượng cao phục vụ sản xuất; ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Thành phố đã triển khai tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chuyển giao công nghệ cho người dân, doanh nghiệp, các tổ hợp tác và hỗ trợ tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, có giá trị kinh tế cao, đã gặt hái được nhiều thành công như mô hình dưa lưới, mô hình nấm, mô hình cà chua Nova, mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, mô hình Nhà phơi nông sản màng Plastic… ngoài ra việc sản xuất theo mô hình chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGap đã được người dân và doanh nghiệp tích cực hướng ứng thực hiện, tiêu biểu trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Sản xuất hoa phong lan bằng phương pháp nuôi cấy mô của trang trại hoa Phan Trọng Dũng, địa chỉ xã Hòa Khánh; ứng dụng sản xuất rau trong nhà kính, hệ thống tưới, bón phân tự động theo nhu cầu của cây trồng của Công ty TNHH Viết Hiền, phường Tân Hòa; ứng dụng trồng cà chua trong nhà màng, hệ thống tưới, bón phân tự động theo nhu cầu của cây trồng của Công ty TNHH Ban Me green Farm, phường Tân thành; ứng dụng đồng bộ giữa công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với cơ giới hóa, tự động hóa của các hộ dân; ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Flo, theo hướng hữu cơ…, đây là điển hình trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào canh tác nhằm tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Trong thời gian tới để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột cần hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, OCOP, tiêu chuẩn hữu cơ,…) và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, mã số vùng trồng làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đồng thời, ngành nông nghiệp của thành phố cũng cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương. Song song với đó, thành phố cũng cần giúp người nông dân tiếp cận dần với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân. Đặc biệt là công tác tìm đầu ra cho sản phẩm, cần ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của địa phương vì thực tế hiện nay sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp chứng nhận đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương thức truyền thống…/.