Triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk năm 2022

Triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk năm 2022

Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Mô hình sản xuất dưa lưới của Tinh Hoa Farm tại 777A Phạm Văn Đồng, Phường Tân Hoà, TP. Buôn Ma Thuột

Với mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch; lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết giá trị và nâng cao thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp. Phát triển chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.

Thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu lại và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành một số mô hình trung tâm giống cây, giống con; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực; phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, không gian xanh, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc đảm bảo chuyên nghiệp hiện đại, bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ triển khai các bước cụ thể như: Xây dựng phần mềm “Quản lý phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao” và triển khai cập nhật số liệu về nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của Thành phố; Xác định các vùng trọng điểm nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao.

Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại đô thị ; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất tại các phường. Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn Thành phố.

Làm việc với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố cam kết bố trí gian hàng và hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các phường, xã; Làm việc với các trường học có bếp ăn bán trú trên địa bàn Thành phố cam kết sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng của các phường, xã;

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển cây xanh trong khu vực nội thị, năm 2022 diện tích cây xanh công cộng khu vực đô thị đạt 8,27m2/người; Xây dựng các điểm kết nối và tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các phường, xã; Triển khai thực hiện chương trình mỗi phường, xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố. Trong năm 2022, phấn đấu có 08 – 10 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố và được UBND Tỉnh đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận đạt 3 sao trở lên; có 01 – 02 sản phẩm được đánh giá nâng hạng sao. Hỗ trợ 10 chủ thể tham gia quảng bá xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; tổ chức 01 Hội thảo kết nối đưa các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm được chứng nhận OCOP, sản phẩm đặc trưng của Thành phố vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các trường học trên địa bàn.

 Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái liên kết theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại các vùng sản xuất chủ lực. Kết hợp với việc hỗ trợ xây dựng, phát triển nhãn hiệu, cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; Xây dựng  mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao liên kết theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất chủ lực.

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp từ Thành phố đến thôn, buôn, tổ dân phố và các tầng lớp Nhân dân về nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao, gắn với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh cơ sở, Cổng thông tin điện tử của Thành phố; chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình,… phối hợp đầu tư xây dựng các phim tài liệu ngắn, các tài liệu truyền thanh về các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội của Thành phố và xã, phường. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao; Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án để kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác quản lý nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm… và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định.

Mô hình cà chua Nova của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm

Phát huy vai trò chủ thể của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao gắn với dịch vụ du lịch sinh thái nông nghiệp và chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, …

Tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, chuyển giao các ứng dụng khoa học – công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất và triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn

Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chế biến. Hướng dẫn quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của Thành phố, nâng cao các chuỗi giá trị nông sản của Thành phố.

Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng với những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. Hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì, đăng ký nhãn hiệu các nông sản chất lượng cao của Thành phố.

Đẩy mạnh, hoàn thành công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch; Khẩn trương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất toàn thành phố Buôn Ma Thuột, quy hoạch chung xây dựng các xã giai đoạn 2022 – 2030; quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã, phường. Căn cứ quy hoạch xác định chi tiết được các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao cụ thể như hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030, đảm bảo phù hợp với quá trình đô thị hóa của Thành phố; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đến các khu vực sản xuất, ưu tiên các khu quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp.

Xác định các vùng trọng điểm nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao; Tiến hành khảo sát xác định các vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái, chất lượng cao của Thành phố; các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị đối với sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao chủ lực của Thành phố bao gồm: Cây ăn quả, rau, hoa, lúa đặc sản, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP và khu chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Chuyển đổi số trong công tác quản lý phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố Buôn Ma Thuột; Triển khai xây dựng phần mềm “Quản lý phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao”; triển khai phổ biến và ứng dụng phần mềm vào quản lý; Số hóa dữ liệu cây trồng, vật nuôi, nhật ký sản xuất ở các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao để truy xuất nguồn gốc, cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm hiện có, lịch mùa vụ, nguồn cung.

Song song với đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, cây xanh trong khu vực nội thị; bảo vệ những diện tích rừng hiện có trên địa bàn Thành phố như diện tích rừng ở xã Hòa Thắng, xã Ea Kao, phường Ea Tam, phường Khánh Xuân… Đồng thời, tăng cường các biện pháp phát triển rừng để nâng cao chất lượng tại các diện tích rừng trên địa bàn Thành phố; Phát triển cây xanh đô thị mang bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên, cân đối hài hòa các mảng xanh trên toàn khu vực đô thị đảm bảo tiêu chuẩn diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người trên địa bàn, góp phần tạo cảnh quan, môi trường sinh thái đô thị.

Phát triển các điểm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đô thị sinh thái, chất lượng cao trên địa bàn các phường xã; Quảng bá xúc tiến thương mại, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị; chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sảnchính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030 theo Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 09/3/2022 về việc phê duyệt Đề án Xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.

Hương Giang

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus ( )
viVietnamese