
SỐ HÓA QUẢN TRỊ DN: ĐỪNG DỪNG Ở… “BÀN PHÍM”
SỐ HÓA QUẢN TRỊ DN: ĐỪNG DỪNG Ở… “BÀN PHÍM”

Các chuyên gia tại Hội thảo “Giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin cho mô hình kinh doanh mới” do Báo DĐDN tổ chức khẳng định trong bối cảnh với nguồn lực hạn chế của các DN Việt Nam hiện nay, việc đầu tư cho CNTT cần được xác định mục tiêu cụ thể để thực hiện từng phần
Theo ông Phạm Vĩnh Thái – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Hewlett-Packard Enterprise (HPE), trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng như “đón sóng” từ sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các DN cần thực sự đổi mới vấn đề quản trị theo các mô hình hiện đại với sự ứng dụng công nghệ cao, thay cho chủ nghĩa kinh nghiệm và tư duy “mạnh nhờ quan hệ” lâu nay…
Mang “thuyền nan” ra biển
Kết quả cuộc khảo sát đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Đảng ủy khối DN Trung ương thực hiện gần đây cho thấy: phần lớn các DN mới chỉ đầu tư cho máy tính, máy chủ, ứng dụng văn phòng… Trong khi đó, các ứng dụng về quản trị khách hàng (CRM) hay quản trị tổng thể nguồn nhân lực (ERP) – chứ chưa dám nói đến các hoạt động hỗ trợ trực tiếp đến kinh doanh – lại mới chỉ được 11% và 28% DN triển khai.
Đáng nói hơn, chỉ có 3/19 DN này có chức danh CIO (Giám đốc CNTT) chuyên trách để cùng DN “giương buồm” ra biển. Thậm chí, không ít nơi còn có những lời than vãn rằng: cán bộ phụ trách CNTT bị coi như “chân sai vặt” để sửa máy tính, quản trị mạng trong DN.
Và nói như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trong một cuộc trao đổi với báo giới thì“Trong khi làng công nghệ thế giới đang rộn ràng với điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) và các công cụ quản trị hiện đại, thì vẫn rất nhiều DN Việt Nam chật vật với các báo cáo bằng văn bản và điều hành bằng miệng, vận hành bằng chân… Như thế, nói câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập, phải chăng là mang thuyền nan ra biển?”. Chính vì vậy, PGS TS Ngô Hồng Sơn – Viện trưởng Viện CNTT -TT, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng ứng dụng công nghệ là một phần không thể thiếu cho sự sống còn của mỗi DN trong giai đoạn mới. Theo chuyên gia này, DN muốn tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh phải có tầm nhìn chiến lược cùng công nghệ. CNTT có thể hỗ trợ DN nhờ ba khả năng: truyền dẫn tốc độ nhanh, kết nối cao và tích hợp lớn.
“Với ba khả năng này, CNTT không chỉ là “vật truyền dẫn”, mà đã thực sự trở thành một nền tảng để tạo ra sự sáng tạo và những điều “thần kỳ” trong sản xuất, kinh doanh. Và như vậy, vấn đề ở đây không còn là lợi nhuận, mà là sự sống còn dựa trên những giải pháp thông minh hơn, tinh xảo hơn”, ông Sơn phân tích.
Làm việc lớn, không ngại bắt đầu từ chỗ nhỏ
Trở lại cậu chuyện về “phần mềm quản lý lợn” đạt Danh hiệu Sao Khuê 2015. Nói về việc phần mềm quản lý trại lợn này của đơn vị mình, ông Phạm Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi – cho biết: Phần mềm quản lý sản xuất lợn giống MPigs 2.0 (do Trung tâm này nghiên cứu phát triển) được áp dụng tại 13 trại nuôi giữ giống gốc trên toàn quốc (thuộc Chương trình Giống gốc do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn triển khai). Giá trị của nó không chỉ dừng ở việc quản lý sản xuất lợn giống, mà còn là tiền đề để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. “Việc sử dụng phần mềm trong quản lý lợn giống chính là tiền đề để tới một ngày nào đó không xa, khi toàn bộ tiến trình sản xuất – giết mổ – tiêu thụ thịt lợn được kiểm soát bằng mã vạch, người dân ăn mua thịt lợn về ăn có thể truy xuất nguồn gốc được lấy từ nguồn nào, đã qua những khâu tiêu thụ, chế biến ra sao, nhờ đó khỏi lo chuyện ăn phải thịt lợn “bẩn” – nhiễm bệnh” – ông Quý nói. Tương tự, nhiều chuyên gia cũng trầm trồ về việc ứng dụng CNTT vào quy trình chăn nuôi bò của Cty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH, đơn vị nổi danh với thương hiệu TH True Milk. Chia sẻ với phóng viên, ông Trương Đình Tuyển kể câu chuyện thú vị khi đi thăm trang trại bò của đơn vị này, khi các yếu tố liên quan đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc bò, sản xuất và thu hoạch sữa đều được giám sát và điều hành với sự tham gia của máy móc và hệ thống phần mềm. “Mọi thứ được điều hành một cách chính xác đến nỗi, thậm chí nếu xe chở thức ăn cho bò đi sai chuồng được “chỉ định” thì nó cũng sẽ không dừng lại” – ông Tuyển tâm đắc nói. Có thể thấy, khi nông nghiệp, ngành kinh tế được đánh giá là đậm chất “lao động chân tay” nhất, đã rục rịch phát triển ứng dụng CNTT-TT, thì không có lý gì các lĩnh vực khác của nền kinh tế lại chậm chân hay “than khó”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với nhiều DN hiện nay là bài toán ứng dụng CNTT vào vận hành, quản trị sao cho hiệu quả, không bị dàn trải phân tán nguồn lực.
Các chuyên gia tại Hội thảo “Giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin cho mô hình kinh doanh mới” do Báo DĐDN tổ chức khẳng định trong bối cảnh “liệu cơm gắp mắm” với nguồn lực hạn chế của các DN Việt Nam hiện nay, việc đầu tư cho CNTT cần được xác định mục tiêu cụ thể để thực hiện từng phần (như hỗ trợ các hoạt động tác nghiệp của các bộ phận cụ thể, hỗ trợ cho việc ra các quyết định quản lý, hỗ trợ việc xây dựng các chiến lược nhằm đạt lợi thế cạnh tranh…). Lãnh đạo DN, với sự tư vấn từ các CIO, cần xác định được lộ trình đầu tư và mối quan hệ giữa các thành phần trong bức tranh tổng thể ấy, để phát huy hiệu quả các khoản đầu tư, phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và phù hợp với năng lực khai thác công nghệ của DN.
Bên cạnh đó, với khối DN nhà nước, câu chuyện thời sự về cơ chế khuyến khích thuê ngoài dịch vụ CNTT trong giai đoạn gần đây, cũng chính là một trong những bước “gỡ khó” từ các cơ quan quản lý cho DN Việt.
Trái với ý kiến của nhiều người cho rằng số hóa là quá trình phức tạp và tốn kém, các DN thực ra có thể bắt đầu một cách dễ dàng với chi phí thấp nhờ những giải pháp đến từ các Cty công nghệ. Chính vì vậy, số hóa việc quản trị DN không phải là câu chuyện “nói cho sang”, hay dừng ở việc trang bị máy vi tính kết nối mạng, họp hành trực tuyến… Quá trình hội nhập với những áp lực thương trường đang đòi hỏi các “nhà cầm quân” trong mỗi DN nhìn xa, nhìn rộng hơn về việc ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều hành bộ máy.
Song Hà