
LUẬT HỖ TRỢ DNNVV: NHỎ NHƯNG Ý NGHĨA LỚN
LUẬT HỖ TRỢ DNNVV: NHỎ NHƯNG Ý NGHĨA LỚN

Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ này. Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV này sẽ hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội vào tháng 7 tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại hội nghị góp ý luật này cũng khẳng định: DNNVV chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Tuy vậy, lâu nay, khu vực doanh nghiệp này ở tình trạng “yếu và thiếu đủ thứ” và hơn cả công tác hỗ trợ đã có những chưa thực sự hiệu quả.
Chính sách còn manh mún
Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Thêm nữa, sự phân tán quản lý và thực thi ở nhiều bộ, ngành trong thực thi các chính sách liên quan khiến tục tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin-cho, DN nhiều khi không có đủ lực để theo đến cùng. “Luật hóa việc hỗ trợ DNNVV tuy có chậm so với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng chậm còn hơn là không”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Cũng nói về sự thiệt thòi của DNVVV, ông Châu Minh Nguyện, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Đồng Nai chia sẻ tại hội thảo, rằng “DN FDI, DN lớn chỉ cần gọi một cú điện thoại là có thể gặp được lãnh đạo tỉnh ngay, trong khi DNNVV có khi chờ cả tháng cũng không gặp được…”
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng DNNVV trong nước chưa được quan tâm đúng mức, cần hỗ trợ đến nơi đến chốn. Ông Lịch cũng cho rằng hỗ trợ cho DNNVV phát triển vừa có ý nghĩa kinh tế, nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội. Cũng theo ông Lịch, DNNVV là lực lượng chính làm công nghiệp hỗ trợ. Do đó, ông Lịch đề nghị gắn thêm nội dung công nghiệp hỗ trợ vào Luật này, bởi công nghiệp hỗ trợ là vấn đề cốt lõi trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sự hỗ trợ ở đây quan trọng nhất là chính sách, là thủ tục hành chính làm sao đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thường có lợi thế lớn trong việc tiếp cận chính sách, tiếp cận sự hỗ trợ từ các nguồn lực Nhà nước. Hỗ trợ vốn cần nhưng không phải là vấn đề quan trọng với DNNVV, họ cần môi trường minh bạch, bình đẳng…
Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng một khi có sự khác nhau về luật trong chính sách hỗ trợ cho DNNVV thì cần áp dụng Luật hỗ trợ DNNVV. Đây là vấn đề rất quan trọng để tạo sự thống nhất. Bởi theo ông Nam, thực tế thì hiện nay pháp luật của nước ta khi triển khai xuống địa phương thì không có sự thống nhất giữa các luật chuyên ngành; gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV này sẽ hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến vào tháng 7 tới đây. Nếu được thông qua, ước tính có khoảng 550.000 DNNVV hiện nay sẽ có thể được hưởng lợi từ luật này. Tuy nhiên, còn một bộ phận đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế trong nước hiện nay với số lượng nhiều hơn cả DNNVV là hộ kinh doanh cá thể với khoảng 5 triệu hộ, thì sao?
Theo ông Trần Du Lịch, đây cũng là một đối tượng hoạt động kinh doanh chiếm đa số trong nền kinh tế của nước ta. Tại TPHCM, nhiều hộ kinh doanh theo kiểu gia đình nhưng hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đóng vai trò không kém quan trọng, nhưng với quy mô nhỏ lẻ. Cần xem xét để có thể đưa hộ kinh doanh cá thể vào đối tượng của dự thảo Luật.
Tờ trình về dự án Luật hỗ trợ DNNVV cho biết Chính phủ sẽ dành một số ưu đãi cho các ngân hàng thương mại khi đạt được tỷ lệ dư nợ tối thiểu cho DNNVV là 30% hoặc cho DNNVV vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển. Về hỗ trợ thuế thu nhập DN, dự thảo quy định các DN khởi nghiệp được hỗ trợ 5% thuế suất so với mức thuế suất phổ thông trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày DN có hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định 5 chương trình hỗ trợ DNNVV, bao gồm: (1) Hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh; (2) Hỗ trợ chẩn đoán và nâng cao năng lực sản xuất; (3) Hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; (4) Hỗ trợ đổi mới sáng tạo; (5) Hỗ trợ hội nhập.
Nhằm giúp DNNVV thực hiện hợp đồng hoặc đơn đặt hàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công, dự thảo Luật đặc biệt cũng đưa ra quy định cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công dành tỷ lệ tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DNNVV sản xuất, cung ứng.
Hương Giang