HÀNH TRANG KHỞI NGHIỆP

HÀNH TRANG KHỞI NGHIỆP

HÀNH TRANG KHỞI NGHIỆP

Một nữ doanh nhân có lần kể với tôi rằng, cô ấy bị thuyết phục bởi ý tưởng của một bạn trẻ, hùn vốn lập doanh nghiệp mới. Đó là một thanh niên nhiệt huyết, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, và đã từng bỏ một công việc ổn định, kéo theo một nhóm bạn hữu từ nhiều nơi, tham gia vào doanh nghiệp mới này. Thế nhưng, một lời mời hấp dẫn từ một công ty nước ngoài, cộng thêm vài khó khăn trong khởi nghiệp, cậu quyết định dứt áo ra đi, bỏ lại doanh nghiệp non trẻ.
Untitled-1 copy

CEO Sundar Pichai trò chuyện chính thức với các Startup tại Hà Nội

Khi tự mình đứng ra thành lập một doanh nghiệp, cũng như mình đẻ ra một đứa con vậy. Đứa con đó dù có ốm yếu, bệnh tật hay hư đốn, lẽ nào chúng ta dễ dàng bỏ đi?” vị nữ doanh nhân này nói, và kết luận rằng, nếu tình yêu với ý tưởng kinh doanh chưa đủ lớn như một người cha, người mẹ yêu con mình, thì đừng vội khởi nghiệp.

Tôi không thể đồng ý hơn với cô ấy, nhưng ngay cả khi có một niềm tin và đam mê mãnh liệt nhất cũng có thể là chưa đủ.

“Cuộc chơi” không dễ dàng

Có dịp làm cố vấn (mentor) cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, tôi nhận thấy rằng, bên cạnh một số ít thực sự đam mê, tin tưởng và quyết liệt với những ý tưởng kinh doanh của mình, thì phần lớn khởi nghiệp với mục đích tìm mọi cách để kiếm tiền, làm giàu, hoặc chỉ đơn giản vì muốn làm ông chủ. Một sinh viên từng hỏi tôi rằng, “em nên đầu tư vào lĩnh vực gì để kiếm tiền bây giờ nhỉ? Em chỉ muốn kinh doanh một cái gì đó, chứ đi làm thuê không kiếm được nhiều tiền. ”Làm một nhà đầu tư thiên thần hay đầu tư mạo hiểm cũng là một nghề nghiêm túc, nhưng chắc chắn họ cũng có định hướng rõ ràng, và không bao giờ hỏi như vậy.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là một cuộc chơi dễ dàng. Khởi nghiệp không đơn giản chỉ vì mình có một ý tưởng, cũng không phải vì cha mẹ có thể cho mình mượn một số tiền lớn. Tôi từng nói trong cuộc thi khởi nghiệp của VPBank rằng, ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu, và rất nhiều bạn trẻ phản đối. Nhưng, thực tế đã cho thấy, một doanh nghiệp ra đời chỉ từ một ý tưởng đơn thuần, bất chấp các điều kiện kinh doanh phù hợp và kiến thức rộng mở, như tài chính, kỹ thuật, marketing, và quản lý nhân sự… thì đều thất bại ngay trong 3 năm đầu.

50

Sản phẩm khởi nghiệp giày vẽ tay nghệ thuật của nhóm tác giả Nguyễn Bá Nam tham gia Chương trình Khởi nghiệp 2014

Tham gia một sàn giao dịch ý tưởng do công ty Vietbooks tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi ấn tượng với một ý tưởng đào tạo và kinh doanh dịch vụ người giúp việc ở bệnh viện của một nhóm sinh viên, và mời họ đến gặp để thảo luận chi tiết. Nghe được đề nghị trình bày phương án kinh doanh, đầu tư và chiến lược marketing, họ nói rằng họ chỉ có ý tưởng và phác thảo sơ bộ và trông đợi tôi lập kế hoạch kinh doanh chi tiết, đầu tư tài chính và cho họ điều hành công ty. Tất nhiên, giao dịch đổ vỡ.

Điều này khiến tôi tin rằng, một bộ phận startup chưa hề có những kinh nghiệm thương trường cụ thể, nên ước vọng khởi nghiệp của họ quá giản đơn. Một lời khuyên mà tôi thường nói, là trước khi khởi nghiệp, bạn hãy dành nhiều năm làm thuê đi đã, bởi những va đập trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, sẽ là liều thuốc thử cho tương lai.

“Ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu, nếu nó không được triển khai thương mại hóa. Các bạn start-up hôm nay đừng vội nghĩ cứ có ý tưởng là sẽ ngay lập tức trở thành Mark Zuckerberg hay Larry Page…”

“Đích Gần” để thành công

Chưa bao giờ đầu tư vào công nghệ lại nở rộ như ngày hôm nay. Trong dịp vị CEO mới của Google, Sundar Pichai, đến nói chuyện với cộng đồng startup ở Hà Nội, tôi đã chứng kiến đội ngũ đông đảo, hùng hậu và máu lửa của các startup công nghệ. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi thấy một thế hệ các nhà doanh nghiệp mới, năng động và quyết liệt. Tuy nhiên, những câu hỏi mà họ đặt ra cho Sundar Pichai khiến tôi giật mình. Hầu hết họ quan tâm đến việc làm sao cạnh tranh được với chính Google và các ông lớn ở Silicon Valley, làm sao để thay đổi thế giới.

Đương nhiên, ước mơ và tham vọng là những yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng khởi nghiệp, và đều đáng khuyến khích. Nhưng nhiều ý tưởng sản phẩm của họ, thay vì tìm đến những nhu cầu trực diện và cấp thiết của thị trường, hoặc tạo ra những nhu cầu mới cho thị trường, thì lại nhằm cạnh tranh với các sản phẩm đã hùng mạnh và vững chắc trên toàn thế giới. Bản thân việc cạnh với Google hay Microsoft không có gì là xấu, cái mà tôi giật mình là vì sao những con người tài giỏi kia thích xây những ước mơ xa đến vậy, trong khi cuộc sống đang cần cả những điều nhỏ hơn khác nữa thì không nghĩ đến (?).

Bước vào con đường khởi nghiệp, hành trang phải chuẩn bị không hề nhẹ. Đầu tiên là chọn cho mình một đích đến. Nếu cái đích đó thật xa, thì hãy thêm vào những cái đích gần hơn, để có động lực mang tính khả thi và hữu ích. Đảm bảo rằng, trong hành trang có đủ trải nghiệm phù hợp với những con đường được chọn. Và nếu thấy mình còn khiếm khuyết ở mảng nào thì hãy tìm bạn đường bổ sung cho khiếm khuyết đó. Hãy lập một lộ trình phù hợp, cùng kế hoạch chi tiết về phương tiện lên đường, nguồn lực tài chính và kế hoạch chi tiêu để không bị đứt gánh giữa đường.

Và trên hết, cần một niềm tin cháy bỏng vào cái đích ấy, và một đam mê đủ lớn để bạn kiên định đi trên con đường chắc chắn chông gai.

Lê Quốc Vinh

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group)

nguồn DĐDN

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus ( )
viVietnamese