Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần tư duy lại cho cà phê Tây Nguyên

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần tư duy lại cho cà phê Tây Nguyên

Ngày 19/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, phòng chuyên môn, doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất cà phê  của tỉnh.

Ảnh minh hoạ: Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, ngành hàng cà phê muốn đi xa phải đi cùng nhau. Nguồn: daklak.gov.vn

Theo ông Lê Đức Thịnh-Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: Hiện nay, tổng diện tích cây cà phê trên cả nước  khoảng 696.000 ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng sản xuất chính, gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc; năng suất đạt 27,7 tấn/ha; sản lượng đạt hơn 1,7 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích khoảng 639.000 ha (chiếm 92% so với cả nước), năng suất đạt 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng khoảng 1,67 triệu tấn (chiếm 95% so với cả nước).

Ảnh minh hoạ: Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh phát biểu tại hội nghị. Nguồn: daklak.gov.vnA

 Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Sản lượng cà phê đưa vào chế biến hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và chiếm khoảng 20-22% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới. Trong đó, cà phê Robusta Việt Nam chiếm thị phần xuất khẩu lên tới 40%. EU, Mỹ và Nhật Bản là những khách hàng lớn của nước ta…

Ảnh minh hoạ: Các đại biểu tham dự Hội nghị. Nguồn: daklak.gov.vn

Nhìn chung, việc sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân vùng Tây Nguyên nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững. Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý. Khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường. Người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tại Hội thảo này, mong muốn của Bộ NN-PTNT là nhằm đưa đến thông điệp về phát triển cà phê bền vững, cụ thể muốn đi xa phải đi cùng nhau, phải có sự liên kết giữa các tỉnh, kết hợp đặc điểm từng vùng, địa phương để tạo quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên.

Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai dự án VnSAT và một số dự án khác để phát triển cà phê bền vững. Ở Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT chọn đặt cơ sở hạ tầng logistic cho ngành cà phê nhằm tạo ra giá trị cà phê cao hơn, có nhiều sản phẩm tinh chế hơn; tạo ra chuỗi ngành hàng để tăng giá trị cho hạt cà phê và tăng thu nhập cho người sản xuất cà phê.

“Hiệp định Thương mại tự do được ký kết giữa Liên minh châu Âu và Chính phủ Việt Nam mở ra cho chúng ta cơ hội rất lớn, nhưng do nhiều lý do mà nông sản của chúng ta nói chung và cà phê nói riêng vẫn chiếm tỷ trọng chưa cao tại thị trường châu Âu. Hàng năm, chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở châu Âu để thấy rằng, chúng ta phải có cách khác để tận dụng Hiệp định EVFTA tốt hơn. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng đề án riêng về xuất khẩu nông sản sang châu Âu để nông sản của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường khó tính này.

Cà phê Tây Nguyên muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến cà phê phù hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới…”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk xác định cây cà phê là cây trồng chủ lực, chính vì vậy tỉnh Nghị quyết 08 của Tỉnh uỷ đang tập trung chỉ đạo phát triển cà phê theo hướng bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.Hiện nay, UBND tỉnh tăng cường công tác xúc tiến, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu (chế biến tinh) tại Việt Nam đầu tư tại địa phương. Tính riêng trong lĩnh vực chế biến cà phê, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 20 dự án đầu tư chế biến cà phê trong đó có 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài 16 dự án đầu tư trong nước. Tổng số cơ sở chế biến cà phê của tỉnh hiện nay khoảng 220 cơ sở, trong đó có 05 cơ sở chế biến cà phê hòa tan trong 9 tháng đầu năm chế biến khoảng 369.000 tấn trong đó: cà phê nhân 341.000 tấn, cà phê bột 20.000 tấn và cà phê hoà tan 8.000 tấn cà phê các loại.

Theo Cổng thông tin điện tử Đắk Lắk

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus ( )
en_USEnglish