
DỰ THẢO LUẬT VỀ HỘI: HỘI KHÔNG ĐƯỢC NHẬN TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI
DỰ THẢO LUẬT VỀ HỘI: HỘI KHÔNG ĐƯỢC NHẬN TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI
Đó là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội bàn luận sôi nổi về dự án Luật về Hội. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến quy định về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, có hay không cho phép cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong lực lượng vũ trang được sáng lập hội, đăng kí thành lập hội và lãnh đạo, điều hành hoạt động của hội.
Đơn vị thuộc Quân đội, Công an không được sáng lập Hội
Các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật về Hội và cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, có quá trình chuẩn bị khá dài gần 20 năm, liên quan đến việc thực hiện quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội, Công an không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công.
Đồng thời, để bảo đảm với quy định tương ứng trong Luật cán bộ, công chức liên quan đến bí mật nhà nước, dự thảo Luật cũng quy định: cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó, mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.
Nhiều đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định này để đảm bảo phù hợp, cởi mở hơn. Theo đại biểu Cao Đình Thường, đoàn Phú Thọ, cần làm rõ thêm quy định như vậy có đúng với mọi trường hợp không? Trong trường hợp họ tham gia sáng lập hội không liên quan gì đến công tác của bản thân trước đó mà họ công tác, làm việc thì có nên quy định là 5 năm không? Hay có quy định khác phù hợp, cởi mở hơn để sau khi nghỉ chế độ, họ có điều kiện tham gia sáng lập, hoạt động trong hội mà họ tâm huyết. “Theo tôi vấn đề này nên quy định là nếu tham gia sáng lập hội với lĩnh vực không liên quan đến bí mật nhà nước mà trước đây người sáng lập công tác thì họ được tham gia sáng lập hội” – Đại biểu Thường nói.
Không được nhận tài trợ nước ngoài
Trong các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, dự thảo Luật cũng quy định hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Có ý kiến cho rằng, việc quy định như vậy nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần quy định linh hoạt hơn để vừa quản lý hoạt động của các hội, đồng thời vừa tiếp tục triển khai chủ trương mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, đoàn Cần Thơ đề nghị: “Khoản 5 Điều 8 có thể quy định lại các hội liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, tiếp nhận tài trợ nước ngoài theo quy định của pháp luật và Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Tới đây, nếu chúng ta quy định như thế thì Chính phủ sẽ có trách nhiệm cùng nhau rà soát lại xem việc tham gia các tổ chức quốc tế thì chúng ta làm thế nào cho hiệu quả”.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, đối với hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài, chỉ hạn chế đối với các trường hợp làm phương hại đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, còn đối với những hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích của hội thì không nên hạn chế.
Nam Phong