DOANH NGHIỆP “NGÁN” CÁC KHOẢN TĂNG

DOANH NGHIỆP “NGÁN” CÁC KHOẢN TĂNG

DOANH NGHIỆP “NGÁN” CÁC KHOẢN TĂNG

Bên cạnh nỗi lo lãi suất, DN cũng còn lo ngại chi phí hoạt động dành cho lương, thưởng, bảo hiểm xã hội… sẽ “ngoạm” vào lợi nhuận ngày càng lớn. Và điều này ngược lại, sẽ khiến các nhà đầu tư, các đối tác tài chính “chùn tay” khi muốn quan tâm góp vốn dài hạn cho DN.

 

5

Một ca làm việc của công nhân Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah

Theo thống kê sơ bộ của Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2 năm 2016, thu hút vốn FDI vào ta vẫn đạt mức tăng lạc quan. Trong đó, dẫn đầu đăng kí vốn FDI tiếp tục là các DN Hàn Quốc với 702 dự án cấp mới và 260 dự án tăng vốn, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,72 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Sự lấn lướt của các DN Hàn Quốc so với các DN trong 62 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào VN cho thấy sự gia tăng của tổng vốn đầu tư từ các dự án lớn thuộc những Tập đoàn đa quốc gia, với kỳ vọng biến VN trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng của toàn cầu, đã có những ảnh hưởng nhất định.

“Ngoại” ngán tăng lương

Kỳ vọng vào VN, song các tập đoàn cũng tỏ ra quan ngại về môi trường đầu tư của VN, trong đó có quan ngại về các quy định tăng lương, bảo hiểm xã hội… cho người lao động. Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) nói rằng giới đầu tư Hàn Quốc khá e ngại về chính sách về tiền lương, trong đó việc tăng lương liên tục trong thời gian qua khiến không ít DN gặp khó khăn. Điều này khác với thông lệ ở Hàn Quốc, lương cơ bản thường ổn định, còn lương thông thường có thể điều chỉnh hằng năm. Giám đốc của một Quỹ đầu tư nước ngoài tại VN cũng cho biết năm nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra quan ngại về chính sách tiền lương với mức lương tối thiểu vùng được tăng lên ngay từ ngày 1/1/2016. “Họ cho rằng chính sách tăng lương liên tục, đầu năm thì tăng lương tối thiểu vùng, đến ngày 1/5/2016 sẽ tăng lương cơ sở công chức, nhìn chung sẽ khiến DN phải cắt giảm lợi nhuận để bù đắp chi phí tăng lương”.

“Nội” lo lợi nhuận

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, TGĐ Cty K. Thành ước tính chi phí lương, bảo hiểm xã hội, cộng mức lãi suất dự phóng có thể điều chỉnh trên các khoản vay mà DN đang có hoặc dự kiến vay mới với mức khoảng 13%, khả năng DN ông duy trì tỷ suất lợi suất ở mức 10% là có thể khả thi nhưng cũng phải rất chật vật.

“Tăng lương, tăng bảo hiểm xã hội mà DN phải chi trả cho người lao động là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng nếu lãi suất vẫn duy trì được ở mức trung bình cao khoảng 10%, thì ít ra DN vẫn còn xoay xở dễ dàng hơn”, ông Kiên cho biết.

Xét trên bình diện ngành, một số ngành sản xuất kinh doanh cũng được dự báo sẽ phải giảm biên lợi nhuận trong năm nay. Đó là ngành thép, cao su tự nhiên, vận tải biển, dược, thủy sản và dầu khí. Trong đó, nếu như cao su tự nhiên chịu ảm đạm bởi giá dầu thấp thì nhiều DN thép dự báo sẽ phải buộc cắt giảm sản lượng do nguồn cung, đặc biệt từ thị trườngTrung Quốc quá cao. Với ngành thép, chi phí tài chính luôn là nỗi ám ảnh của những DN đang chưa chủ động được vốn đầu tư và chưa có chiến lược cân đối cung-cầu với thị phần ổn định trên thị trường. Dược, một ngành được cho chịu tác động tiêu cực ngắn hạn từ TPP, trong đánh giá của các tổ chức nghiên cứu, còn chịu nhiều áp lực khác. Chứng khoán Bảo Việt và Chứng khoán Vietcombank đều dự báo các DN dược có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng suy giảm biên lợi nhuận do tác động của cạnh tranh làm tăng chi phí marketing, bán hàng và tỷ giá dự báo tăng 5% làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào. BSC cho biết DN dược sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do khi mức nhập khẩu dược phẩm tiếp tục tăng cao trong năm 2016, tăng 15,6%…

Theo ông Yun Hang Jin – Thạc sỹ kinh tế – Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Cty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) vẫn đánh giá khá lạc quan rằng nhìn chung, sẽ có nhiều DN cải thiện được lợi nhuận trong năm nay nhờ tận dụng được môi trường kinh doanh đang tốt hơn, và đặc biệt xét tổng quan, mặc dù không còn nhiều dư địa giảm lãi suất chính sách song quan điểm chung của các nhà điều hành vẫn là giảm lãi suất vay. “Hy vọng khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã đi vào giai đoạn cuối với sức khỏe các nhà băng ngày càng tốt hơn, chênh lệch giữa lãi gửi và lãi vay có cơ sở để kéo giảm, các NH vẫn có thể giảm được lãi vay. Mặt khác, Chính phủ đang nâng mục tiêu tăng trưởng M2 trong năm nay lên 16-18% (năm 2015 là 14%) và tăng trưởng tín dụng 18%-20% (năm 2015 là 17%) – như vậy chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ giúp các DN có cơ hội vốn tốt hơn”.

 

Mỹ Lê

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus ( )
viVietnamese