
DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP VIỆT NAM ‘HÚT’ VỐN NGOẠI
DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP VIỆT NAM ‘HÚT’ VỐN NGOẠI

Việc lập hẳn một quỹ đầu tư riêng 500 Startups Vietnam cho thấy 500 Startups đã đánh giá VN là một thị trường quan trọng. Trong ảnh: Startup Ipsy của Michelle Phan, một dịch vụ dùng thử sản phẩm làm đẹp với 100 nhân viên – mà quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups đã đầu tư ở VN.
Theo thông báo của 500 Startups, quỹ 500 Startups Vietnam dự kiến sẽ được sử dụng để đầu tư vào từ 100 đến 150 DN khởi nghiệp ở VN, hoặc những doanh nhân có ý định mở rộng việc kinh doanh ra nước ngoài hoặc các nhóm nước ngoài có ý định mở rộng vào VN.
Không chỉ là 10 triệu “đô”
Số tiền 10 triệu USD cũng sẽ được 500 Startups chia ra thành những khoản nhỏ thấp nhất là 100.000 USD và cao nhất là 250.000 USD và giao cho hai đại diện của quỹ ở VN là Binh Tran và Eddie Thai, những người đã gia nhập 500 Startups từ năm ngoái nhằm đẩy mạnh các nỗ lực của quỹ đầu tư này ở VN.
Ngoài việc được nhận nguồn tài chính ra, những DN khởi nghiệp được 500 Startups đầu tư sẽ có cơ hội tiếp cận với mạng lưới 3.000 nhà tư vấn và sáng lập viên của các DN trên toàn cầu, cũng như những hỗ trợ khác để mở rộng quy mô kinh doanh.
Đây không phải là lần đầu tiên quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups đầu tư vào VN. Trước đó, quỹ này đã đầu tư vào một số DN khởi nghiệp và cá nhân tại VN như Ipsy, Lightbox, DataRank, Ticketbox hay Ticketbox. Tuy nhiên, việc lập hẳn một quỹ đầu tư riêng 500 Startups Vietnam cho thấy 500 Startups đã đánh giá VN là một thị trường quan trọng hơn. Cũng có thể coi đây là sự khởi đầu mới dài hơi hơn của 500 Startups tại thị trường mới nổi này.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan, cộng đồng DN khởi nghiệp ở VN dù đã sôi động hơn nhưng vẫn còn khá nhỏ bé. Nhưng trước khi lập 500 Startups Vietnam, 500 Startups cũng chỉ lập một quỹ nhỏ duy nhất tại khu vực Đông Nam Á, đó là 500 Startup Tuk Tuks ở Thái Lan. Tại sao 500 Startups lại không nhắm vào những thị trường khác sôi động hơn mà lại lập quỹ đầu tư vào VN?
Theo giải thích của 500 Startups, VN là nền kinh tế lớn, có tăng trưởng nhanh và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm khác đã có mặt tại đây nhiều năm. Cũng theo quỹ đầu tư này, VN có tổng số dân lớn hơn nhiều so với California, New York và Florida cộng lại, và đặc biệt có tới hơn 40 triệu người VN đang sử dụng internet. Hơn nữa đây cũng là một trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu kể từ năm 1990 và là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Apple. Chính điều này đã thu hút người đồng sáng lập ra Apple – ông Steve Wozniak hay CEO của Google Sundar Pichai đến VN những tháng gần đây. Đó là còn chưa kể đến những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà VN mới ký kết, lợi thế về chi phí lao động thấp và sức mua tăng nhanh đã đưa VN vào danh sách quốc gia đầu tư tốt nhất do U.S News ở Mỹ bình chọn mới đây.
“VN là một đất nước đầy sức sống và tăng trưởng nhanh, với nhiều doanh nhân và kỹ sư tài năng. 500 Startups muốn làm việc cùng với các nhà đầu tư VN và cộng đồng công nghệ trong nước để xây dựng lên một hệ sinh thái doanh nhân mạnh mẽ” – ông Dave McClure, người sáng lập ra quỹ 500 Startups đã nói như vậy.
Làn sóng đầu tư vào DN khởi nghiệp
Không chỉ 500 Startups, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang rót tiền vào các DN khởi nghiệp VN. Mới đây nhất, Toong – chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên của Việt Nam đã chính thức nhận được khoản đầu tư có giá trị hơn một triệu USD, chỉ sau 7 tháng hoạt động.
Thông tin về con số cụ thể và tên nhà đầu tư của thương vụ trên không được tiết lộ, nhưng Toong cho biết nhà đầu tư là một tập đoàn có kinh nghiệm hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, bán lẻ và dịch vụ. Dù vậy, sự kết hợp này có thể coi là một tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin và kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn đối với các DN khởi nghiệp.
Tháng 1 vừa qua, một DN khởi nghiệp khác của VN cũng đã nhận được một khoản đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. CyberAgent Ventures – quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản đã quyết định đầu tư vào trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ người giúp việc là Jupviec.vn. Đây là trang mạng được ví như Uber cho những người giúp việc, nhằm mục đích tối thiểu hóa chi phí tìm người giúp việc và tạo thêm việc làm. Hiện tại Jupviec.vn đã có hơn 10.000 khách hàng ở hà Nội. Số tiền mà CyberAgent Ventures đầu tư vào Jupviec.vn không được tiết lộ, nhưng với khoản đầu tư này Jupviec.vn hi vọng có thể mở rộng kinh doanh ra nhiều thành phố khác của cả nước.
Dựa vào những khoản đầu tư như vậy, có thể thấy rõ một làn sóng đầu tư nước ngoài đang nhắm vào các DN khởi nghiệp ở VN. Ông Jeffrey Paine – Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures tại Singapore nói rằng, ông nhìn thấy những điểm mạnh nổi trội của các DN khởi nghiệp VN, đó là “sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật cao và khả năng suy nghĩ vượt ra khỏi một chiếc hộp để tồn tại.” Golden Gate Ventures cũng đã đầu tư vào các DN khởi nghiệp ở VN như Appota hay Lozi.
Hỗ trợ của Nhà nước
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết tại sự kiện Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra ngày 7/3 vừa qua rằng, đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thông qua trong thời gian tới. Đây là một thông tin mới mang lại hi vọng cho sự bùng nổ của nhiều DN khởi nghiệp nữa ở VN trong tương lai.
Thực tế, trong thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ cho việc hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam bằng việc xây dựng các đạo luật mới, giúp việc hình thành và phát triển hệ sinh thái này được triển khai một cách thuận lợi. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của các DN khởi nghiệp hơn nữa, ông Tùng cho biết, đề án có thể sẽ cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư, dẫn dắt các DN khởi nghiệp, và Nhà nước sẽ hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm tạo điều kiện đầu tư cho các DN.

Ông PHẠM HỒNG QUẤT – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường DN, Bộ KH-CN
Có thể nói rằng, những chính sách hiện nay giúp cho nhà đầu tư cá nhân, các Cty, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang còn có những khó khăn so với những nước ở trong khu vực như Malaysia, Singapore hay Thái Lan. Như vậy, ngay ở trong khu vực có thể chúng ta sẽ mất một thị phần rất lớn từ nguồn đầu tư nước ngoài trong mảng đầu tư mạo hiểm. Các DN khởi nghiệp có thể sẽ đi sang những đất nước khác mà có cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn, về phát triển mở rộng thị trường của mình. Điều này có nghĩa nhu cầu cấp bách hiện nay là chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế chính sách làm nền tảng cho kêu gọi vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là đầu tư cá nhân, đầu tư cộng đồng và đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, chúng tôi đang bàn thảo về hướng học những mô hình, những thực tiễn tốt nhất của thế giới phù hợp với hoàn cảnh của VN. Chẳng hạn như Israel, Singapore hoặc một số bang của Hoa kỳ. Đây là những mô hình mà chúng tôi cho rằng rất tốt. Mục tiêu là nhà nước chỉ tạo nguồn vốn đối ứng ban đầu (nguồn rất nhỏ) gọi là “vốn mồi” để hấp dẫn, cuốn hút đầu tư của tư nhân, xã hội. Chính sách về thuế đối với các nhà đầu tư lĩnh vực này cần có những ưu đãi đặc biệt, coi như đó là một hình thức đầu tư của nhà nước cho phát triển khởi nghiệp một hệ DN mới. Nhà nước có thể công nhận các hình thức đầu tư đang tồn tại ở các nước trong khu vực một cách phổ biến, được hợp pháp ở VN, tránh việc Luật hình sự coi đó là lập quỹ trái phép. Nếu chúng ta cứ hình sự hóa các hoạt động về huy động vốn trong kinh tế thì sẽ không tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà đầu tư thiên thần, các Cty có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư lĩnh vực đó phải được cởi mở, thủ tục thông thoáng, điều kiện đơn giản. Quan trọng nhất là chúng ta kiểm soát được hoạt động hiệu quả của họ.
Xu hướng mới

Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế
Đang bắt đầu có trào lưu mới về DN khởi nghiệp ở VN. Tôi cho rằng đây là trào lưu tốt, nó giúp tạo ra một thế hệ DN, doanh nhân mới ở VN, phát triển theo một cách mới khác với trước và nó đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước và của các FTA mới mà VN tham gia trong thời gian tới. Trước đây phần lớn những người lãnh đạo DN tư nhân ở Việt Nam, và có thể cho đến nay nữa, khi trả lời động lực họ làm kinh doanh là gì thì câu trả lời đơn giản là để mưu sinh. Nhưng động lực mưu sinh không đủ để kéo dài sự phát triển cho DN. Sau một thời gian, nhất là những người trẻ họ thấy đây là sự nghiệp của họ và họ có thể phát triển được. Tôi cho rằng khi họ nhìn thấy động lực của cạnh tranh, không chỉ là áp lực từ nước ngoài mà ngay cả ở trong nước, và tấm gương một số DN trong nước vượt lên được cũng khuyến khích cho họ rất nhiều. Chính vì vậy xu hướng khởi nghiệp bây giờ là xu hướng mới của nhiều doanh nhân và các bạn trẻ có tham vọng kinh doanh. Họ xác định ngay từ đầu rằng họ làm kinh doanh là để khởi nghiệp, không phải mưu sinh, và với một tầm nhìn dài hạn hơn, một chiến lược rõ ràng hơn. Nhiều người trong số họ đã thành công và đã thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Đó là sự đánh giá và ghi nhận cho nỗ lực khởi nghiệp của họ. Tôi cho rằng với sự tham gia của nguồn vốn đầu tư từ các quỹ, cá nhà đầu tư nước ngoài, DN khởi nghiệp sẽ phát triển hơn nữa vì họ không chỉ nhận được vốn mà cả sự hỗ trợ về quản lý và hoạch định chiến lược phát triển.
Quan trọng là vốn và tầm nhìn chiến lược

Ông Đỗ Sơn Dương – Đồng sáng lập viên kiêm CEO của Toong
Tập đoàn đầu tư vào Toong vốn có nhiều kinh nghiệm tư vấn đầu tư và chiến lược kinh doanh, đồng thời cũng đã và đang thành công trong nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Vì thế, ngoài vốn, sự hỗ trợ về tầm nhìn chiến lược của nhà đầu tư sẽ chắp thêm cánh cho Toong tiếp tục phát triển một cách bền vững. Chiến lược khởi nghiệp của chúng tôi không phát triển một cộng đồng chỉ chạy theo số lượng. Quan điểm và thái độ làm việc mới là điều chúng tôi cân nhắc khi lựa chọn đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Chúng tôi xây dựng thương hiệu của mình như một con người. Những thành viên làm việc ở Toong, cũng đồng quan điểm với chúng tôi, họ là những người đề cao giá trị tri thức. Bằng chứng là sau chỉ hơn một nửa năm hoạt động, Toong đã xây dựng được một cộng đồng lớn mạnh, đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Địa điểm đầu tiên trên phố Tràng Thi, Hà Nội cũng chính là nơi duy nhất được cả Phó Chủ tịch và CEO của Google lựa chọn là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nhân trẻ trong hai chuyến thăm Việt Nam của họ vào cuối năm ngoái.
N.Linh, M.Thanh ghi
Ngọc Linh