Định hướng đối ngoại mới: Địa phương và doanh nghiệp ở trung tâm

Định hướng đối ngoại mới: Địa phương và doanh nghiệp ở trung tâm

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 31, sáng 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế các địa phương” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 300 điểm cầu trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành trên cả nước.

Ảnh minh hoạ: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Nguồn: daklak.gov.vn

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, lãnh đạo Sở Ngoại vụ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 năm 2018 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều chuyển biến phức tạp và sâu sắc, trong đó đại dịch COVID-19 kéo dài dần hai năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách trong phòng, chống dịch, duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Ảnh minh hoạ: Các đại biểu tham dự Hội nghị. Nguồn: daklak.gov.vn

Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19, trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho cả nước và địa phương chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các đối tác láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn.

Căn cứ định hướng phát triển đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng đề ra tại Đại hội XIII, với chủ đề của Hội nghị là “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, gợi mở một số vấn đề sau đây để các đại biểu cùng thảo luận.

Thứ nhất, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương. Trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam trước hết thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân. Đối ngoại địa phương đóng vai trò là “vị trí tiên phong” trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế.

Thứ hai, xác định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại địa phương. Quán triệt chủ trương đúng đắn của Đảng về “phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm”, đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức, du lịch và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Các đại biểu tham quan Triển lãm trưng bày các sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030 đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Để góp phần đưa chủ trương đúng đắn này của Đảng đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan đối ngoại, trong đó ngành Ngoại giao là nòng cốt, và các địa phương với tư cách là “trung tâm phục vụ”.

Thứ ba, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện công tác đối ngoại địa phương. Trong triển khai đối ngoại địa phương, cần nắm bắt tốt các xu thế vận động, diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của từng địa phương, trên cơ sở đó có kế hoạch, đề án cụ thể với từng lĩnh vực đối ngoại, trong quan hệ với từng đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, đối tác tiềm năng đối với phát triển của địa phương.

Ảnh minh hoạ: Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Nguồn: daklak.gov.vn

Như Bác Hồ từng cặn dặn “mọi việc thành công bởi chữ đồng”, đối ngoại địa phương chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình khi có sự ủng hộ và đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban, sở, ngành tại địa phương cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương. Trong đó, điểm đồng ở đây là cùng hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương, từ đó đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Điều cuối cùng rất quan trọng là nâng cao năng lực của đối ngoại địa phương, trong đó then chốt là nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương. Ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ đối ngoại địa phương; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng ngày càng thiết thực nhu cầu nâng cao năng lực triển khai đối ngoại địa phương.

Bên lề Hội nghị, Triển lãm trưng bày các sản phẩm thương hiệu Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp địa phương.

5 phương hướng để đẩy mạnh công tác đối ngoại địa phươngPhát biểu tại sự kiện, ông Bùi Lê Thái, Chánh văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương, cho rằng các địa phương cần khẩn trương cụ thể hóa, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo hướng tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, bảo đảm cho các địa phương nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước theo tư duy chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.Từ góc độ riêng của Ban Đối ngoại Trung ương, ông Bùi Lê Thái đã đề xuất 5 phương hướng để đẩy mạnh công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý, đề nghị các địa phương xây dựng lộ trình, xác định mục tiêu và có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình. Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới cần dựa trên sự đánh giá chính xác khả năng thực hiện, tránh tình trạng ký rồi để đấy, không triển khai, khiến đối tác cảm thấy “khó hiểu” và giảm dần lòng tin đối với ta.Chú trọng triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân, để cùng với ngoại giao chính quyền tạo thành ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương…
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus ( )
viVietnamese